Trong những năm gần đây, Nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ trong nhiều năm đã làm xuất hiện một tầng lớp trung lưu mới với khả năng chi tiêu nhiều hơn cho các hàng quán mở cửa tới thâu đêm, các cửa hàng bán lẻ lúc nào cũng đông khách và tỉ lệ sở hữu điện thoại di động ở mức cao—trung bình mỗi người có trên một máy điện thoại di động. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn dựa trên giao dịch bằng tiền mặt, phần đông người trong độ tuổi trưởng thành vẫn không sử dụng dịch vụ tài chính chính thức, ví dụ sử dụng tài khoản giao dịch. Chuyển sang hệ thống không dùng tiền mặt chính là một ưu tiên trong quá trình nâng cao hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh doanh và kinh tế, giảm nghèo tại những vùng nông thôn hẻo lánh nơi các nhà cung cấp dịch vụ tài chính truyền thống khó vươn tới.
Kể từ năm 2016 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã hợp tác cùng Nhóm Ngân hàng Thế giới hướng tới xây dựng một chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện trên cơ sở một cách tiếp cận tổng thể. Mặc dù chiến lược này hiện vẫn đang còn trong quá trình xây dựng nhưng một số điểm chính đã được xác định rõ: chú trọng tài chính trên nền tảng công nghệ số bao gồm chuyển các chương trình thanh toán của chính phủ sang sử dụng các dịch vụ và nền tảng công nghệ số ; cung cấp dịch vụ tài chính tới các vùng nông thôn và dân tộc thiểu số còn lạc hậu và tỉ lệ nghèo còn cao hơn tỷ lệ nghèo bình quân cả nước; và tăng cường bảo vệ người tiêu dùng và phổ biến kiến thức tài chính giúp thế hệ người tiêu dùng mới được trang bị tốt hơn với dịch vụ tài chính hiện đại.
Thiết kế và xây dựng một chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện hiệu quả sẽ giúp Việt Nam có thể thực hiện thành công các cải cách dự kiến trên cơ sở một lộ trình được đặt ra trong chiến lược nhằm đạt được các mục tiêu về tài chính toàn diện. Số liệu trong cơ sở dữ liệu Global Findex cho thấy tầm quan trọng của công việc này—theo đó tại thời điểm 2014 chỉ có 1/3 số người trong độ tuổi trưởng thành cho biết họ có tài khoản giao dịch tại một tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính chính thức. Mức này thấp hơn nhiều so với con số trung bình trong khu vực là 69%.
Với dân số lớn và tỉ lệ phổ cập tài chính thấp, Việt Nam hiện nằm trong nhóm 25 nước ưu tiên tập trung các nỗ lực về tài chính toàn diện trong sáng kiến Phổ cập tiếp cận tài chính (UFA) đến năm 2020. Mục tiêu của sáng kiến này là sẽ giúp cho 2 tỉ người hiện nay chưa sử dụng dịch vụ ngân hàng được tiếp cận với hệ thống tài chính chính thức. Giúp người trưởng thành mở một tài khoản giao dịch là bước đầu tiến tới tài chính toàn diện. Khi đó người dân có thể sử dụng các dịch vụ mà họ cần như tiết kiệm, thanh toán, vay vốn và mua bảo hiểm.
Theo dự báo của WB, nhiều người Việt Nam hiện nay không tham gia hệ thống tài chính chính thức nhưng trên thực tế đang thực hiện nhiều giao dịch tài chính. Ví dụ, 39% người trưởng thành gửi tiền tiết kiệm bên ngoài hệ thống chính thức, cất tiền trong tủ hoặc sử dụng các hình thức không chính thức khác như chơi họ; 65% người gửi tiền hoặc nhận tiền gửi bên ngoài hệ thống chính thức hoặc thanh toán tiền học phí, tiền điện, nước bằng tiền mặt. Một số rào cản chính đối với tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính chính thức bao gồm:
· Địa bàn quá xa – 6,2 triệu người
· Quá đắt – 2,2 triệu người
· Yêu cầu quá nhiều giấy tờ khi mở tài khoản – 2,3 triệu người
· Không tin tưởng vào hệ thống tài chính – 1,1 triệu người.
Tháo gỡ những rào cản nói trên thông qua sửa đổi chính sách và khuôn khổ pháp lý hợp lý có thể giúp đưa người sử dụng dịch vụ tài chính từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức với tác động lớn. Theo ước tính của chúng tôi, môi trường chính sách nếu được cải thiện có thể giúp đạt được con số khoảng 48 triệu người trưởng thành mở tài khoản giao dịch. Ngoài ra, các khoản trợ cấp bằng tiền của chính phủ cho người dân (G2P) nếu có thể được thực hiện bằng công nghệ số sẽ giúp tiếp cận với khoảng 3,7 triệu người trưởng thành hiện chưa có tài khoản ngân hàng.
Nghiên cứu cũng cho thấy nước nào có chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện (NFIS) thì nước đó sẽ đạt được các mục tiêu đề ra một cách thành công hơn và có hiệu quả hơn. Tính trung bình, tỷ lệ số người trưởng thành có tài khoản tại một tổ chức tài chính chính thức tăng 17% tại các nước thực hiện NFIS kể từ sau năm 2007, trong khi con số này chỉ là 9% tại các nước không thực hiện NFIS. Trên cơ sở phân tích đó, chúng tôi dự đoán Việt Nam có thể sẽ đạt được mục tiêu ước tính thêm 11,6 triệu người trưởng thành có tài khoản nếu xây dựng và thực hiện NFIS.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan chủ trì về tài chính toàn diện nói chung và trong việc xây dựng chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện nói riêng. Ngoài ra, các Bộ, ngành khác và khu vực tư nhân cũng đóng vai trò rất quan trọng – một số cơ quan trong số này đã gặp với UNSGSA trong tuần này, cụ thể như sau:
– Bộ Tài chính đối với việc tạo điều kiện để số hóa các khoản thanh toán của chính phủ và thực hiện các cải cách đối với Ngân hàng Chính sách Xã hội theo định hướng thị trường.
– Bộ Thông tin Truyền thông đối với việc tạo điều kiện phát triển và quản lý các giải pháp thanh toán di dộng.
– Bộ LĐTBXH đối với các khoản hỗ trợ của chính phủ cho người dân.
– Bộ NNPTNT đối với việc mở rộng dịch vụ tài chính tại địa bàn nông nghiệp, nông thôn.
– Tổ chức chính trị xã hội, Tổ chức phi chính phủ, Quỹ xã hội với việc sử dụng mạng lưới các hội thành viên và các chương trình cho vay vốn vi mô.
– Bộ GDĐT đối với việc tích hợp giáo dục tài chính vào trong chương trình giảng dạy nhằm đào tạo một thế hệ người tiêu dùng mới hiểu biết hơn và tự tin hơn về các vấn đề tài chính.
– Đại diện của khu vực tư nhân, trong đó có các công ty công nghệ tài chính và doanh nghiệp nông nghiệp.