Ngày 22/7, tại Hà Nội diễn ra Hội thảo Vận động chính sách đẩy mạnh giáo dục kỹ năng mềm trong nhà trường do tổ chức Cứu trợ trẻ em Save the Chindren phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức.
Dự Hội thảo có ông Đoàn Tuấn Anh – Phó Giám đốc Quốc gia Tổ chức Cứu trợ Trẻ em; đại diện Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế, các sở GD&ĐT, Trung tâm phát triển doanh nghiệp Nông thôn Việt (VietED), các quỹ đầu tư; thầy cô giáo, các em học sinh và đại diện một số trường ở Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Đoàn Tuấn Anh cho biết: Nhận thấy nhu cầu về giáo dục kỹ năng sống và kỹ năng mềm dành cho HS phổ thông cũng như sinh viên những năm gần đây ngày càng tăng cao, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em đã phát triển các chương trình giảm thiểu rủi ro thiên tai, bảo vệ sức khỏe học đường và giáo dục quản lý tài chính từ năm 2009 đến nay để tham gia vào việc đẩy mạnh, nâng cao giáo dục kỹ năng sống cho HS.
Tại 243 trường tiểu học, THCS,THPT và một số trường cao đẳng tại Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ Tổ chức Cứu trợ Trẻ em đã đưa chương trình bảo vệ sức khỏe học đường và giáo dục quản lý tài chính vào dạy thí điểm.
Về sức khỏe dinh dưỡng học đường, chương trình hỗ trợ các trường tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa cho HS nhằm nâng cao kiến thức và thực hành kỹ năng bảo vệ sức khỏe, giữ vệ sinh cá nhân nhằm chăm sóc răng miệng, rửa tay đúng cách và các vế đề dinh dưỡng cho HS; tập huấn cho giáo viên về sức khỏe dinh dưỡng học đường và cách thức tổ chức các tiết học ngoại khóa về các chủ đề này.
Từ năm 2011 đến nay đã có khoảng hơn 31.000 HS được trực tiếp hưởng lợi từ việc cải thiện phương pháp giáo dục về sức khỏe và dinh dưỡng và các dịch vụ được cung cấp tại trường.
Về giáo dục tài chính, năm 2009 chương trình thí điểm việc giảng dạy các kiến thức và kỹ năng liên quan đến việc quản lý tiền bạc cho hơn 23.000 HS và sinh viên tại 125 trường trung học, cao đẳng và đại học tại thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Cần Thơ.
Đến nay, chương trình được áp dụng giảng dạy cho hơn 145.000 HS và sinh viên. Riêng thành phố Hồ Chí Minh,Tổ chức Cứu trợ Trẻ em đã vận động chính sách thành công và được sở GD&ĐT thành phố Hồ Chí Minh đồng ý lồng ghép giáo dục tài chính các các tiết hướng nghiệp của bộ môn công nghệ lớp 10. Theo đó, mỗi năm có khoảng 70.000 học sinh lớp 10 được học các kỹ năng quản lý tiền bạc các nhân.
Giáo dục kỹ năng sống, giáo dục tài chính là hai lĩnh vực hoạt động mà VietED đang triển khai thực hiện cho các khách hàng của mình và đối tác. Hội thảo lần này nhằm đưa ra những kết quả trao đổi kinh nghiệm thực tiễn từ các chương trình giáo dục kỹ năng trong nhà trường cũng như để xuất các sáng kiến của những người làm giáo dục, tổ chức ban ngành liên quan, qua đó giúp lãnh đạo và các nhà quản lý giáo dục xem xét để xây dựng các chương trình giáo dục về kỹ năng phù hợp và hiệu quả cho HS, sinh viên.