Thuộc khuôn khổ dự án “Tăng trưởng doanh nghiệp của tôi” do Trung tâm Hỗ trợ Phụ nữ phát triển (CWD) và Quỹ Châu Á (TAF) phối hợp thực hiện, chương trình giao lưu – kết nối và trải nghiệm thực tế đã được tổ chức trong 2 ngày 17-18/5/2025 tại tỉnh Phú Thọ, với sự tham gia của hơn 50 cán bộ, học viên đến từ các tổ chức tài chính vi mô và đối tác triển khai dự án, trong đó có Chương trình tài chính vi mô VietED.
Chương trình là dịp để học viên có cơ hội lắng nghe, quan sát và trực tiếp đối thoại với các nữ doanh nhân tiêu biểu tại địa phương, những người đã vượt qua nhiều rào cản để xây dựng nên những mô hình kinh doanh bền vững và truyền cảm hứng.

Các hoạt động nổi bật:
🎋 Thăm quan và học hỏi tại HTX mì gạo Hùng Lô – đơn vị OCOP 4 sao, nổi tiếng với quy trình chế biến truyền thống kết hợp cải tiến kỹ thuật. Tại đây, ông Cao Đăng Duy – Giám đốc HTX đã trực tiếp chia sẻ với đoàn về quá trình xây dựng thương hiệu, giữ gìn giá trị bản địa và nỗ lực vượt qua khó khăn khi chuyển đổi sản xuất trong thời đại số. Mô hình của HTX Hùng Lô là ví dụ điển hình cho sự kết hợp giữa bảo tồn di sản và phát triển kinh tế cộng đồng.


🎋 Giao lưu cùng chị Đinh Thị Thức – Giám đốc Công ty CP Tân Phong, Chủ tịch Hội nữ doanh nhân tỉnh Phú Thọ. Với hơn 20 năm kinh nghiệm khởi nghiệp và điều hành doanh nghiệp, chị đã kể lại hành trình khởi nghiệp từ con số 0, dám nghĩ lớn, đầu tư mạnh vào công nghệ và đào tạo để vươn ra thị trường quốc tế. Hiện tại, công ty chè Tân Phong đã xuất khẩu sản phẩm sang 16 quốc gia, và trở thành một trong những doanh nghiệp tiêu biểu trong ứng dụng công nghệ và phát triển bền vững tại địa phương.

🎋 Trò chuyện cùng chị Đào Kim Chuyên – chủ nhà hàng chay Mộc Đăng, người đã rẽ hướng từ ngành công nghệ thông tin sang khởi nghiệp ẩm thực chay. Chị chia sẻ về những thất bại, bài học vận hành, sự điều chỉnh nhân sự và áp dụng công nghệ để dần phục hồi hoạt động kinh doanh. Đến tháng 3/2025, nhà hàng đã có lãi, cho thấy sự bền bỉ và tinh thần dám thay đổi đúng lúc của người phụ nữ làm kinh doanh.

🎋 Trải nghiệm di sản văn hóa phi vật thể hát Xoan tại đình cổ Hùng Lô – một không gian văn hóa đặc trưng của vùng đất tổ, giúp đoàn hiểu hơn về mối liên kết giữa phát triển kinh tế và gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống.

Thông qua các hoạt động thiết thực và gần gũi, Ban tổ chức kỳ vọng chương trình sẽ giúp các cán bộ và học viên của dự án – phần lớn là phụ nữ và khách hàng vay vốn từ các tổ chức tài chính vi mô – có thêm những trải nghiệm thực tế sinh động, học hỏi từ chính các mô hình doanh nghiệp địa phương, để từ đó áp dụng hiệu quả hơn vào hoạt động sản xuất kinh doanh tại cơ sở.
VietED rất vinh dự khi được đồng hành cùng chương trình và xin cảm ơn sự phối hợp của các đối tác – Trung tâm Hỗ trợ Phụ nữ phát triển (CWD) và Quỹ Châu Á (TAF) – đã tạo nên một hành trình học hỏi đầy ý nghĩa!
#VietEDCenter #VietED MFI #AMBProject #PhuNuKhoiNghiep